Vài nét về lịch sử hình thành huyện Ba Tơ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ai về Quảng Ngãi, Ba Tơ

Rừng thiêng nhớ buổi dựng cờ đánh Tây

Nhắc đến Quảng Ngãi, người ta nhớ ngay đến Ba Tơ, đến truyền thống đánh giặc cứu nước. Ngày nay đối với cả nước ta thì địa danh Ba Tơ chẳng còn gì lạ lẫm.

Ba Tơ, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa nổi tiếng ngày 11/3/1945 thời kỳ tiền khởi nghĩa, lật đổ chính quyền phong kiến đế quốc, lập chính quyền nhân dân rất sớm so với cả nước.

Ba Tơ, nơi sinh thành Đội du kích Ba Tơ – tiền thân của các lực lượng vũ trang nhân dân Liên khu 5, hạt nhân của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong vùng vào tháng Tám 1945.

Trong bài hát nổi tiếng Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường của nhạc sĩ Trương Quang Lục, câu hát đầu tiên cũng nhắc đến Ba Tơ:

Anh từng nối với em về Quảng Ngãi

Đất anh hùng sinh du kích Ba Tơ…

Ba Tơ là một vùng rừng núi điệp trùng ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Ngãi. Từ tỉnh lỵ đi theo Quốc lộ 1 về hướng nam 30 km, đến ngã ba Thạch Trụ, rẽ phải đi lên hướng tây 30 km nữa, là ta đã đến được huyện lỵ Ba Tơ. Huyện Ba Tơ nằm ở vĩ độ 14°46 độ vĩ bắc, 108°3 độ kinh đông; phía Bắc giáp các huyện núi Sơn Hà, Minh Long, Đông Bắc là huyện trung du Nghĩa Hành. Đông giáp hai huyện đồng bằng Mộ Đức, Đức Phổ. Nam và Đông Nam giáp các huyện Hoài Nhơn, An Lão (tỉnh Bình Định), phía Tây và Tây Nam giáp huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum và một ít của tỉnh Gia Lai. Diện tích tự nhiên của toàn huyện là 1.122,35 km2, là huyện có diện tích lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi, với số dân 55.662 người, chủ yếu là người Hrê (46.492 người), người Kinh (9.072 người) tính ở thời điểm 2014.

Thuở xưa, vùng đất này có tên là nguồn An Ba, sau mới có tên là nguồn Ba Tơ, một trong bốn “nguồn” của miền núi Quảng Ngãi.

Đến năm Thành Thái thứ 11 (1899), vùng đất này thuộc châu Đức Phổ gồm có 4 tổng: Phổ An, Phổ Thuận, Phổ Thành, Phổ Triêm.

Năm Thành Thái thứ 13 (1901), chính quyền thực dân- phong kiên lại đổi châu Đức Phổ làm đồn Ba Tơ (đồn là một đơn vị hành chính nặng về quân sự). Đồn Ba Tơ gồm 3 tổng: Phổ An, Phổ Thuận, Phổ Thành có một tên quan Một (thiếu úy) coi về quân sự, bên cạnh có viên quan: người Việt coi về hành chính gọi là quản đốc, dưới quản đốc ở các tổng có chánh tổng.

Năm 1915, đồn Ba Tơ có 5 tổng 61 sách (sách là tên mà chính quyền thực dân phong kiên gọi cho làng miền núi).

Năm Khải Định thứ 8 (1923), Quan Đốc đổi tên là Kiểm lý. Đồn Ba Tơ có 6 tổng: Phổ An, Phổ Thuận, Phổ Hành, Phổ Triêm, Thuận Hành, Hóa Hành, gồm 63 sách. Sau đó, đồn Ba Tơ lại được gọi là châu Ba Tơ (châu là tên gọi chung cho các huyện miền núi).

Sau Cách mạng tháng Tám 1945 một thời gian, tất cả các đơn vị hành chính huyện, châu đều thống nhất danh xưng hành chính là huyện. Châu Ba Tơ được gọi là huyện Ba Tơ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền cách mạng được thành lập, đứng đầu về mặt hành chính là Chủ tịch UBND huyện. Cùng với cả nước, đơn vị hành chính trung gian là cấp Tổng được bãi bỏ, đơn vị xã mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập các làng (sách cũ), đứng đầu hành chính là Chủ tịch UBND cách  mạng xã. Huyện Ba Tơ trong kháng chiến chống pháp (1945 – 1954) có 26 xã, đều bắt đầu bằng chữ “Ba”: Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Xa, Ba Tô Ba Ngạc, Ba Lế, Ba Điền, Ba Sơn, Ba Lang, Ba Gia, Ba Lãnh, Ba Tăng, Ba Động, Ba Đình, Ba Liên, Ba Bích, Ba Chùa, Ba Cung, Ba Dinh, Ba Lâm, Ba Dung, Ba Chi, Ba Lục, Ba Trang, Ba Lương, Ba Kham.

Trong thời kỳ Mỹ – ngụy thống trị, địch đổi huyện Ba Tơ thành quận Ba Tơ, do tên quận trưởng đứng đau, gộp lại chỉ còn 7 xã. Trong kháng chiến chông Mỹ cứu nước, ta chia Ba Tơ làm 26 xã, đại loại giống như các xã thời chống Pháp. Có thời gian, ta cắt các xã dọc sông H’re thuộc Ba Tơ là Ba Re, Ba Xa, Ba Vì, Ba Tô, Ba Chi, Ba Tiêu, Ba Giang, Ba Ngạc cùng với 2 xã của huyện Sơn Hà là Sơn Ba, Sơn Kỳ để thành lập huyện Sông H’re (có lúc gọi là c33 hoặc Khu 6).

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, huyện Ba Tơ trở lại ranh giới cũ thời kháng chiến chống Pháp. Trải qua biến đổi hành chính, đến nay, huyện Ba Tơ có 01 thị trấn và 17 xã.

Thị trấn duy nhất là Ba Tơ. 18 xã gồm: Ba Động, Ba Dinh, Ba Điền, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Trang, Ba Lế, Ba Bích, Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Tô, Ba Cung, Ba Nam, Ba Liên, Ba Khâm.

Thị trấn Ba Tơ nằm ở trung tâm huyện (xưa cũng là trung tâm đầu não của chính quyền thực dân – phong kiến) ngay trên Quốc lộ 24A. Trước đây thị trấn Ba Tơ có tên là xã Ba Đình, một vị trí khá đẹp và hội tụ nhiều cơ quan của huyện, trong đó có Nhà bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ thuộc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi. Cùng nằm trên quốc lộ 24A, về phía Đông có thị tứ Ba Động buôn bán khá sầm uất, về phía Tây có thị tứ Giá Vụt (Ba Vì) thưa thớt hơn.