Khởi nghĩa Ba Tơ 11/3/1945, mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam
Lượt xem:
Ba Tơ, mảnh đất địa linh, nhân kiệt đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và của cả nước.
Thời thuộc pháp vùng đất này được mệnh danh là rừng thiêng, nước độc hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn. Vì thế cuối năm 1940, đầu năm 1941, thực dân Pháp đã chọn nơi đây để xây dựng nhà tù trá hình mà chúng gọi là căng an trí để giam giữ những người cộng sản và chiến sĩ yêu nước sau khi đã mãn hạn tù từ các nhà lao Thừa Thiên Huế, Kom Tum, Buôn Ma Thuột, Quảng Ngãi trở về. Thực hiện mưu đồ hết sức thâm độc nhằm tách họ ra khỏi phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, dùng môi trường sống khắc nghiệt và chế độ kìm kẹp hà khắc để hủy hoại về thể xác. Chúng uy hiếp tinh thần để giết dần, giết mòn những người tù Cộng Sản mà bọn chúng cho là nguy hiểm nhất. Không cho những người tù đi quá căng 500 m, sáng chiều phải đến đồn trình diện để bọn chúng kiểm soát. Nếu như những người tù vi phạm một trong những luật lệ đưa ra thì sẽ bị tra tấn, đánh đập rất dã man. Âm mưu của bọn thực dân đế quốc là thế, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn trái ngược.
Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ
Vào mùa xuân năm 1942, một chi bộ Đảng đã ra đời tại căng an trí. Những người ở căng cứ giả vờ bị bệnh lao nặng để được sống cách ly dưới thuyền. Hằng ngày, họ được phép dùng thuyền ra khúc sông Liên để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Nhưng thực chất là để tổ chức in ấn tài liệu, truyền đơn và tổ chức cuộc họp. Lúc này, cơ sở Đảng của tỉnh cũng dần được củng cố, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng. Đến cuối tháng 12 năm 1944, tại lò gạch Nước Năng, cách đồn Ba Tơ 700 mét về phía Đông, tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập gồm 5 đồng chí Trương Quang Giao, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trần Lương, Trần Quý Hai do đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư. Các đồng chí lúc này vừa làm nhiệm vụ của Tỉnh ủy, vừa làm nhiệm vụ của Ủy ban Vận động Cứu Quốc và đặc biệt là chuẩn bị thực hiện lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.
Nhân sự kiện ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp chiếm toàn cõi Đông Dương. Mặc dù, lúc này chưa nhận được chỉ thị Nhật pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban thường vụ Trung ương Đảng, nhưng với tinh thần chủ động và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII ngày 15 tháng 5 năm 1941, Tỉnh ủy lâm thời đã tổ chức cuộc gọi khẩn cấp vào tối ngày mồng 10 tháng 3 tại dốc ông Tài, bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền, thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời và đội du kích Ba Tơ. Cuộc họp kéo dài đến 1 giờ sáng, thống nhất thành lập Ủy ban khởi nghĩa và quyết định khởi nghĩa ngay trong ngày 11 tháng 3 năm 1945. Theo kế hoạch, sáng ngày mồng 1 tháng 3, lợi dụng những tù an trí đến đồn trình diện như thường lệ, ta sẽ cho tiến hành cướp tù bằng cách đánh kỳ tập. Nhưng lúc này quân lính trong đồn nhận được tin Nhật đảo chính Pháp, cho nên chúng đã bố trí canh gác chặt chẽ, đóng kín tất cả các cổng chính. Vì vậy mà phương án cướp đồn không thành. Lúc này ta lại nhận được tin tên giám binh cùng một số lính Pháp chạy trốn quân Nhật đang trên đường từ thị xã Quảng Ngãi kéo lên Ba Tơ. Tỉnh ủy lâm thời đã triệu tập một lực lượng nhanh chóng kéo xuống Suối Loa, xã Ba Động chặn đón bắt tên giám binh và lính Pháp, buộc bọn chúng phải giao đồn, nộp vũ khí và phối hợp với chúng ta để chống Nhật. Trong lúc bị quân ta khống chế, tên giám binh hứa về đồn sẽ giao đồn và nộp vũ khí và sẽ liên kết với ta để chống nhật. Nhưng khi về đồn bọn chúng đã lật lọng, vì thế mà phương án cướp đồn của chúng ta một lần nữa bị thất bại. Lúc này, khoảng 12 giờ trưa, tại chòi canh Suối Loa, Tỉnh ủy Lâm thời tổ chức cuộc họp chớp nhoáng để kiểm điểm việc cướp đồn vì sao thất bại, đồng thời phân tích tình hình. Sau đó đưa ra nhận định rằng muốn giành chính quyền thì không thể bằng âm mưu bạo lực hay thương lượng mà phải tiến hành khởi nghĩa võ trang thì mới có thể giành thắng lợi. Sau đó, Ban khởi nghĩa tỏa ra các bản làng để vận động, kêu gọi nhân dân kéo về Quận lỵ Ba Tơ chuẩn bị tham gia khởi nghĩa. Đến 15 giờ chiều, đã có hàng vạn quần chúng nhân dân kéo về Quận Lỵ Ba Tơ với gươm giáo cờ đỏ, sao vàng và biểu ngữ rợp trời kéo đi tuần hành uy nghi, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu quyết đánh, quyết thắng, quyết giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc tuần hành mỗi lúc càng rầm rộ và gây uy hiếp tinh thần cho kẻ thù với tinh thần cách mạng dâng cao. Ban khởi nghĩa phối hợp với quần chúng nhân dân kéo đến vây chặt Nha Kiểm Lý, bắt sống tên Nha Kiểm Bùi Danh Ngũ cùng một số nha đạo. Đồng thời thu toàn bộ hồ sơ, sổ sách cai quản quận lỵ Ba Tơ. Đặc biệt lúc này ta thu được bốn khẩu súng trường Max. Với vũ khí trong tay, quân ta tiếp tục khép chặt vòng vây nổ súng tấn công ồ ạt vào đồn Ba Tơ. Vừa nổ súng, vừa kêu hàng, quân lính trong đồn vô cùng hoảng loạn. Tên giám binh và lính Pháp bí mật rút qua đường hầm về hướng Klong, Kom Tum. Quân ta tiếp tục chia thành ba mũi tấn công trực diện vào đồn. Cổng đồn được mở toang, lực lượng cách mạng đã bắt sống toàn bộ lính khố xanh thu toàn bộ súng, 50 hòm đạn, và tất cả tài sản. Trước sân đồn cờ của Pháp bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trên nóc đồn Ba Tơ.
Mặc dù chiến thắng đã về khuya nhưng ban khởi nghĩa cũng tỏa ra các bản làng để loan tin cho đồng bào biết cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đồng thời thông báo cho quần chúng nhân dân biết sáng ngày 12 tháng 3 sẽ tổ chức mít tinh chào mừng chiến thắng tại sân vận động Ba Tơ. Sáng ngày 12 tháng 3, một cuộc mít tinh chào mừng chiến thắng đã diễn ra long trọng tại sân vận động Ba Tơ. Trong không khí trang nghiêm, Tỉnh ủy lâm thời đã sẵn sàng tuyên bố xóa bỏ mọi khế ước nợ nần, cho vay nặng lãi của thực dân Pháp để lại. Tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Ba Tơ. Thành lập đội du kích Ba Tơ gồm có 28 đội viên. Sau đó chia tất cả những chiến lợi phẩm thu được cho những người dân nghèo và những người đã có công tham gia khởi nghĩa.
Đứng trước tình hình thực tế, đội du kích Ba Tơ mới thành lập còn non trẻ không thể nào đối đầu được với quân Nhật. Do đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ thị cho đội Du kích Ba Tơ tạm thời rút vào hoạt động bí mật. Theo kế hoạch, đến chiều ngày 14 tháng 3, toàn đội hành quân ngược dòng sông Liêng để đánh lừa sự theo dõi của mật thám Nhật. Đến khuya lại xuôi dòng dừng chân tại Bãi Hang Én để làm lễ tuyên thệ thề hy sinh vì Tổ quốc và thề làm tròn ba nhiệm vụ của cách mạng. Sau lễ tuyên thệ đội bí mật hành quân về chiến khu cao Muôn để xây dựng lực lượng. Ở đây rất thuận lợi cho việc trú ẩn, tập luyện nhưng do xa cách với các bản làng nên việc tiếp tế lương thực và tuyên truyền cách mạng gặp nhiều khó khăn. Do đó, đội du kích Ba Tơ chuyển về căn cứ nước Sung, Nước Lá, hang VọtRẹp để tiếp tục xây dựng lực lượng tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc địa phương đứng lên chống Nhật. Đến cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1945, Đội Du kích Ba Tơ phát triển mạnh, thành lập hai đại đội. Đại đội Phan Đình Phùng do đồng chí Phạm Kiệt chỉ huy, gồm 13 đội viên đóng quân ở chiến khu Vĩnh Sơn, Vĩnh Tuy, Sơn Tịnh. Đại đội Hoàng Hoa Thám do đồng chí Nguyễn Đôn chỉ huy gồm 10 đội viên đóng quân ở chiến khu Núi Lớn, Mộ Đức để tiếp tục xây dựng và phát triển Lực lượng đánh Nhật và lập nên những chiến công vang dội. Tham gia hai trận đánh tiêu biểu đó là trận đánh ở Xuân Phổ xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa và trận đánh ở Mỏ Cày, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Ngãi là tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Từ 28 đội viên đầu tiên của đội du kích Ba Tơ đã phát triển thành hàng nghìn đội viên, trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang khắp các tỉnh nam trung bộ chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Nhiều chiến sĩ Đội du kích Ba Tư đã trở thành những cán bộ cấp cao, những tướng lĩnh xuất sắc trong quân đội như Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn.
Đội du kích Ba Tơ ra đời không những là tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu V, mà còn là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nơi đây không những sản sinh ra đội du kích Ba Tơ mà còn là nơi an toàn để các tổ chức phong trào cách mạng hoạt động, vùng an toàn khu của Trung ương, của tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên trong cả nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo giành thắng lợi trọn vẹn, mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.