Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Lượt xem:

Đọc bài viết

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng ba và 740 người biết sử dụng chiêng.

Trong số các nhạc cụ của người Hrê thì chiêng (chinh) ba là nhạc cụ được người Hrê yêu quý nhất, đặc biệt là bộ chiêng ba (bộ chiêng gồm có 3 chiếc). Đây là nhạc cụ mang tính biểu trưng của cộng đồng người Hrê và là nhạc cụ phổ biến nhất trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Hrê. Đa số chiêng của người  Hrê đều là chiêng ba. Ba chiếc chiêng có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chinh Vông hay chinh cha, chiếc nhỏ hơn là chinh Tum hay chinh mẹ, chiếc nhỏ nhất là chinh Túc hay là chinh con. Đánh chiêng thì gọi là túc chinh. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm, chinh Túc treo trên dây. Khi đánh thì chinh Tum đóng vai trò giữ nhịp, chinh Vông và chinh Túc theo giai điệu. Chinh cha và chinh mẹ đánh bằng nắm tay trần, chinh con đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm.

Quang cảnh lễ công bố

Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ có lịch sử lâu đời, với cách thức diễn tấu đã đạt đến trình độ cao về nghệ thuật và kỹ thuật. Hằng năm, nghệ thuật trình diễn chiêng ba được thực hiện ở các lễ hội mang tính cộng đồng của người Hrê như: Lễ ăn trâu, tết năm mới, lễ cầu mưa,.. và các nghi lễ trọng đại của mỗi gia đình, tạo nên không khí lễ hội vui tươi lành mạnh, gắn kết cộng đồng. Theo quan niệm của người Hrê, cồng chiêng cũng được xem là vật “có hồn” được trời ban cho. Tiếng chiêng được xem là tiếng nói của con người để cầu khấn đến thần linh xin ban những điều tốt đẹp và che chở cho dân làng, gia đình có cuộc sống bình an, cây trồng, vật nuôi, mùa màng sinh sôi phát triển.

Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ

Với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê Ba Tơ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch  công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 609/QĐ-BVHTTDL, ngày 3/02/2021.

 Tác giả: N.H.D
 Nguồn: Sưu tầm