Thực trạng sử dụng smartphone của học sinh cấp THCS và Một số giải pháp giáo viên quản lý có hiệu quả việc sử dụng smartphone của học sinh tại lớp

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trang điện tử xin đăng tải lại báo cáo tham luận của tổ Chuyên môn Khoa học Xã hội tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Giải pháp sử dụng thiết bị Smartphone phục vụ học tập hiệu quả”

I. SƠ LƯỢC VỀ TÌNH HÌNH ĐƠN VỊ:

1. Tình hình đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên

+ Tổng số CBGV-NV : 12

+ Trong đó: Quản lí: 2

– GV đứng lớp: 10 (GVTPT Đội: 1).

– Nhân viên: 3

– Nhân viên bảo vệ (HĐ): 1

2. Tình hình học sinh

+ Tình hình số lượng HS: Đầu năm: 94 HS/4 lớp.

II. THỰC TRẠNG SỬ DỤNG SMARTPHONE CỦA HỌC SINH CẤP THCS:

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, điện thoại di động ngày càng trở thành một công cụ liên lạc giải trí không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Đối với độ tuổi từ học sinh THCS trở lên, thậm chí nhỏ tuổi hơn là học sinh Tiểu học hoàn toàn có thể sở hữu cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Vì vậy, vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh trong Trường học hiện nay nói chung và Trường TH&THCS Ba Lế nói riêng đang là một vấn đề mà cả xã hội quan tâm bởi những hệ lụy của nó là rất cao.

Smartphone di động là phương tiện liên lạc và giải trí phổ biến nhất hiện nay. Với những công dụng tiện nghi và hấp dẫn, hầu như toàn bộ học sinh có Smartphone ngày ngày đều sử dụng điện thoại để nhắn tin, lên Facebook, nghe nhạc, xem phim, nhất là chơi game…với bậc học THCS thì tỉ lệ học sinh Trường TH&THCS Ba Lế có Smartphone là 51,75 % theo tôi đây là thống kê của nhà trường chưa thật sự chính xác có lẽ còn nhiều hơn nữa.

Vậy trong thực tiễn những em dùng điện thoại chỉ với mục đích chính là giải trí xem phim, nghe nhạc và đặc biệt chơi game là chính, thậm chí xem những phim có nội dung thiếu lành mạnh tác động đến nhận thức của tuổi mới lớn. Nhiều em buổi tối ngồi học nhưng 3/4 thời gian học tập để lướt trên điện thoại di động.

Vấn đề sử dụng điện thoại hoàn toàn có thể gây nghiện trong học sinh, nhiều học sinh mải mê dùng điện thoại lên facebook mà quên nhiệm vụ học hành, nhiều bạn học sinh lại thức đêm xơ xác đi không phải vì học hành mà để chơi game trên điện thoại, nhiều bạn lại nghiện nhắn tin trò chuyện yêu đương mà vướng vào việc yêu sớm… Bên cạnh đó, điện thoại là phương tiện đưa những em học sinh đến với những clip nóng, đồi trụy, bạo lực.

Một số phụ huynh thì đơn thuần mua điện thoại cho con chỉ vì chiều chuộng con cái thái quá, con đòi hỏi thì cha mẹ đã mềm lòng mà mua ngay cho được, đã thế còn phải là điện thoại thông minh thuộc hãng nổi tiếng con mới chịu. Việc có điện thoại di động cộng với tâm lý biếng học ham chơi, khiến các em sử dụng điện thoại di động không đúng cách, xem điện thoại là chân lý, là thú vui để trốn tránh việc học tập. Thêm vào đó, việc cha mẹ cho con em sử dụng những chiếc điện thoại có quá nhiều chức năng không cần thiết, trong khi việc cha mẹ muốn và các em cần chỉ đơn thuần là liên lạc với nhau. Sự thừa thãi như vậy mà cha mẹ thì không thể theo sát quản lý, còn các em thì chưa đủ ý thức để nhận biết những cái lợi, cái hại của việc lạm dụng điện thoại di động đã dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Đây chính là thực trạng sử dụng smartphone của học sinh cấp THCS Trường TH&THCS Ba Lế.

 III. Một số giải pháp giáo viên quản lý có hiệu quả việc sử dụng smartphone của học sinh tại lớp:

1. Về phía nhà trường:

– Tham mưu cho nhà trường thay vì cấm đoán nhà trường cho thầy cô tìm cách để hướng dẫn các em cách sử dụng điện thoại di động sao đúng và hợp lí nhất.

– Thường xuyên tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh đến các em, giúp các em có nhận thức rõ ràng, biết lựa chọn nguồn thông tin đúng đắn, tránh xa các loại thông tin xấu.

– Tạo môi trường thân thiện, trong đó chú trọng xây dựng lớp học thân thiện, tăng cường tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các trò chơi lành mạnh.

– Làm tốt công tác phối kết hợp giữa CMHS và GVCN.

– Giáo viên: tìm cách giáo dục, thay đổi nhận thức của học sinh, giải thích và hướng dẫn các em sử dụng điện thoại một cách đúng đắn, lành mạnh ví dụ như ra bài tập thực hành phù hợp với học sinh (môn Sinh: trồng cây, thí nghiệm sự thoát hơi nước của cây; môn Sử: quá trình chế tác công cụ lao động thời nguyên thủy; môn GDCD: tình hình thực hiện an toàn giao thông tại địa phương, vấn đề ô nhiếm môi trường của địa pương em, vv) yêu cầu học sinh quay clip lại sau đó lên lớp trình chiếu cho cả lớp cùng xem và nhận xét sẽ phát huy được tinh thần học tập của học sinh thông qua smartphone.

2. Tác động phía gia đình-cha mẹ học sinh:

Phối hợp với GVCN trong việc giáo dục con em mình sử dụng smartphone như cần quy định số tuổi để con dùng điện thoại, kiểm soát thời gian cũng như hành vi của con cái khi dùng điện thoại để kịp thời ngăn chặn những hành động đi quá xa.

Cha mẹ cần quan tâm gần gũi các em nhiều hơn, quản lý nhưng không có nghĩa là xâm phạm vào sự riêng tư, làm thế chỉ khiến các em thêm chống đối. Tạo điều kiện cho con thực hiện các yêu cầu bài tập giáo viên cho về nhà như quay clip chẳng hạn.

3. Giáo dục học sinh:

Bản thân của các em học sinh cũng cần phải ý thức được việc học tập là quan trọng với mình, sử dụng điện thoại với mục đích phục vụ học tập là chính.

Với bản thân học sinh, cần có ý thức tự giác trong học tập, phân biệt rạch ròi giữa việc chơi và việc học. Sử dụng điện thoại với mục đích đúng đắn, dùng để tra cứu thông tin phục vụ học tập, liên lạc với người thân bạn bè, giải trí lành mạnh. Luôn cố gắng rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, không lãng phí quá nhiều thời gian của bản thân vào những trò vô bổ trên điện thoại, mà nên chăm giao tiếp, tiếp xúc với thầy cô bạn bè, quan tâm đến gia đình cha mẹ, dành thời gian đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn.

* Kết luận: Hãy nhớ rằng, điện thoại di động chỉ là công cụ bổ trợ cho cuộc sống thêm tốt đẹp, chúng ta đừng biến nó thành thứ phá hủy cuộc sống của chính mình. Hãy sử dụng điện thoại thông minh một cách thật thông minh và thông thái, giáo viên, CMHS hướng dẫn các em điều khiển điện thoại chứ đừng để điện thoại điều khiển các em. Tương lai của các em học sinh chúng ta có tươi sáng và rực rỡ hay không chính là nhờ vào nhận thức và hành động đúng đắn của tất cả chúng ta ngày hôm nay.

III. NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT:

1. Đối với Nhà trường:

– Lãnh đạo: Ban hành quy định cụ thể và nếu vi phạm thì nghiêm khắc xử lí về việc sử dụng smartphone của học sinh; Quán triệt đến từng giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh.

– Với giáo viên: phối hợp tốt với CMHS và tạo điều kiện cho học sinh sử dụng smartphone như ra bài tập mang tính thực hành trải nghiệm và yêu cầu học sinh quay lại những hoạt động đó.

2. Đối với bậc cha mẹ học sinh:

– Luôn phối hợp với giáo viên và luôn nhắc nhở con em mình sử dụng đúng mục đích của smartphone và nghiêm khắc xử lí nếu vi phạm; trang bị điện thoại di động phù hợp cho con em mình.