Phối hợp với phụ huynh trong công tác tổ chức dạy học trực tuyến cấp TH; quản lý smartphone khi con ở nhà
Lượt xem:
Trang điện tử xin đăng tải lại báo cáo tham luận của tổ Chuyên môn Tiểu học tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Giải pháp sử dụng thiết bị Smartphone phục vụ học tập hiệu quả”
Kính thưa quý đại biểu, thầy giáo, cô giáo!
Kính thưa quý bậc phụ huynh, cùng các em học sinh thân mến!
Năm học 2021-2022 là một năm học “đặc biệt” với khá nhiều sự thay đổi do Covid 19 gây ra. Dịch bệnh khá phức tạp làm cho nghành giáo dục phải thay đổi linh hoạt để đáp ứng với nhu cầu học tập trong thời gian này. Và giải pháp hợp lý nhất trong tình hình phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh, các em không thể đến trường để học thì chỉ có thể là học trực tuyến. Với đơn vị sở tại chưa tổ chức dạy học trực tuyến và đang được phép dạy trực tiếp, nhưng dịch bệnh như tình hình hiện nay thì khó nói được vấn đề gì, lỡ đâu ngày mai tình hình trở nên phức tạp, căng thẳng và cấp trên buộc chúng ta phải dạy học trực tuyến, nên chúng ta luôn luôn phải có sự chủ động trong mọi tình huống, để không phải bỡ ngỡ khi tiến hành dạy học trực tuyến. Vì thế nhân buổi tổ chức Hội thảo ngày hôm nay tôi xin phép được trình bày một số việc làm cụ thể để: Phối hợp với phụ huynh trong công tác tổ chức dạy học trực tuyến cấp TH; quản lý smartphone khi con ở nhà.
Thưa quý vị đại biểu, thưa tất cả quý thầy cô giáo. Đối với Ba Lế-một trong những xã đặc biệt khó khăn của Tỉnh Quảng Ngãi, thì việc dạy và học trực tuyến dường như là sự xa lạ không hề nhỏ trong ý nghĩ của phụ huynh cũng như chính các em HS. Bởi lẽ những cái xa lạ về cách dạy, cách học, cũng như các điều kiện để thực hiện việc dạy và học này tất cả là sự mới mẻ, khác lạ. Nên việc triển khai cũng như phối hợp với phụ huynh trong công tác tổ chức dạy học trực tuyến cấp TH ở đơn vị sở tại là một vấn đề vô cùng cần thiết cũng như một nhiệm vụ khá quan trọng, đầy thử thách để thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong tương lai đạt hiệu quả. Nơi tôi công tác PHHS không có nhiều máy tính bảng, hay tivi thông minh, các thiết bị hiện đại, đâu đó chỉ thấp thoáng vài cái smartphone dùng để nghe nhạc, xem phim giải trí, chứ chưa biết sử dụng cho việc học của con em mình ở nhà, vậy nên nhiệm vụ của giáo viên chúng tôi là tìm cách để PHHS nắm bắt được tinh thần dạy học trực tuyến và sử dụng như thế nào là đúng là hiệu quả. Sau đây tôi xin trình bày một số việc làm như sau:
Thứ nhất, vì Ba Lế là một địa phương miền núi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, kinh tế gia đình chủ yếu vào làm nông, làm rẫy là chính; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Hrê nên nhận thức của cha mẹ học sinh còn thấp, họ chưa biết được việc học tập trực tuyến là như thế nào nên trước mắt GV phải đến tận nhà, tận bản giải thích, trò chuyện và hướng dẫn cụ thể, chi tiết về dạy và học trực tuyến bằng cách cho PHHS xem videos minh họa, sau đó hướng dẫn đăng ký mạng 4G, tải các phần mềm phục vụ việc học trực tuyến, chủ đạo là Google meet, Zalo để nhận thông báo liên lạc của GVCN lớp.
Thứ hai, tìm kiếm nhờ sự giúp đỡ của các em học sinh cũ nay đã trưởng thành và thông thạo trong việc dùng smartphone, các em này sẽ hỗ trợ những lúc cần thiết và không có GV bên cạnh.
Thứ ba, tạo một số lớp học giả định, hướng dẫn trực tiếp cho PHHS cũng như học sinh những thao tác cơ bản (nhận đường link, vào link để học, tắt mic, mở mic, tắt, mở camera,…) khi bắt đầu một buổi học trực tuyến thực tế.
Thứ tư, vận động PHHS mua smartphone để dùng vì những lợi ích của nó đem lại cũng như là một điều kiện cần và đủ để khi trường hợp bắt buộc học trực tuyến thì HS cũng có phương tiện để học.
Thưa quý vị đại biểu, thưa tất cả quý thầy cô giáo khi PHHS đã có smartphone thì bên những lợi ích đem lại thì cũng có những hệ lụy khó lường về tác hại của việc dùng smartphone không đúng mục đích như PHHS đi làm, để điện thoại ở nhà cho con dùng không có sự kiểm soát, các em chủ yếu là chơi game, xem mải mê quên cả việc học, có khi quen ăn quên ngủ, làm ảnh hưởng đến việc học tập.
Vậy nên tôi cũng đã có một số cách để hướng dẫn cũng như tư vấn cho PHHS quản lý smartphone khi con ở nhà như sau:
Thứ nhất, PHHS không giao hẳn điện thoại cho con, mà phải có sự kiểm soát, quy định thời gian dùng điện thoại một cách hợp lý và rõ ràng.
Thứ hai, nếu các em ở nhà không nghe lời bố mẹ thì cần có những hình phạt hợp lý cho từng HS như: cấm dùng điện thoại vĩnh viễn khi không có người ở nhà, không đáp ứng những mục đích phục vụ cho việc chơi games…
Trên đây là một số việc làm cụ thể để phối hợp với phụ huynh trong công tác tổ chức dạy học trực tuyến cấp TH; quản lý smartphone khi con ở nhà. Rất mong có sự đóng góp ý kiến cũng như chia sẻ của tất cả quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo, quý phụ huynh cùng tát cả các em học sinh tại hội nghị này để bản thân có thêm kinh nghiệm để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục trong tương lai.
Xin chân thành cảm ơn!