Đội du kích Ba Tơ nòng cốt xây dựng các đơn vị mới ở địa phương và là hạt nhân của các lực lượng vũ trang quân khu V
Lượt xem:
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng ở vào thế bị chủ nghĩa đế quốc bao vây bốn mặt và với tính chất triệt để chống chủ nghĩa đế quốc, lại ở vào vị trí đi đầu trong phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam châu Á nên cách mạng Việt Nam là đối tượng chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế.
Mặt khác, âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp đã được hoạch định ngay từ khi nước Pháp còn bị phát xít Đức chiếm đóng. Ngày 14 tháng 3 năm 1945, năm ngày sau khi Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, Đờ Gôn, lãnh tụ phái kháng chiến lưu vong đã nói rõ ý đồ đen tối đó: Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu liên bang gồm năm xứ (Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên và Ai Lao), Liên bang Đông Dương cùng với nước Pháp xây dựng thành khối Liên hiệp Pháp mà quyền đối ngoại phải do Pháp đại diện.
Ngay trước khi Cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp đã mở đầu kế hoạch tái chiếm Đông Dương bằng những cuộc nhảy dù biệt kích đưa bọn sĩ quan cai trị đến Việt Nam. Tiếp đến, ngày 22 tháng 8 khi nhân dân, cả nước ta đang sôi nổi cướp chính quyền, thực dân Pháp lại nhờ máy bay của Không quân Hoàng gia Anh thả một tốp nhân viên xuống biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia, trong đó có tên đại tá Xê-di được Đờ Gôn trao chức ủy viên cộng hòa tại Nam Kỳ. Tiếp theo máy bay của quân Anh lại thả một tốp nhân viên khác xuống Hiền Sĩ phía tây Huế khoảng 15 ki-lô-mét.
Trong lúc đó, bọn phản động Tưởng Giới Thạch, núp dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật, đang ráo riết thực hiện kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”, với dã tâm tiêu diệt Đảng ta, giúp bọn phản động đánh đổ chính quyền nhân dân, thành lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng.
Giặc ngoài, thù trong hoành hành, đất nước đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Tình hình trên, Đảng ta đã sớm nhận rõ, Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 đã khẳng định: “Quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le khôi phục địa vị của chúng ở Đông Dương”. Từ đó, Đảng ta đã đề ra những chủ trương, biện pháp cơ bản để đối phó vối những khó khăn phức tạp nhất định sẽ diễn ra. Một vấn đề cơ bản mà Đảng ta hết sức quan tâm là xây dựng phát triển lực lượng cơ bản của cách mạng.
– Củng cố và mở rộng khối đoàn kết toàn dân, lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng có tổ chức chặt chẽ là nhân tố hết sức quan trọng để bảo vệ chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc, là cơ sở vững chắc để xây dựng phát triển lực lượng mọi mặt của cách mạng.
– Trên cơ sở lực lượng chính trị hùng hậu mà thực hiện vũ trang toàn dân, hình thành và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân.
Ở Quảng Ngãi, sau khi chính quyền toàn tỉnh thành lập, các tầng lớp nhân dân, trong không khí phấn khởi chưa từng có của cách mạng, đã nô nức gia nhập Việt Minh, các hội cứu quốc trong Mặt trận, nhất là cống nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 1945, hội Công giáo cứu quốc, và hội Phật giáo cứu quốc cũng được thành lập. Khối công nông liên minh do giai cấp công nhân lãnh đạo là nền tảng của Mặt trận được mở rộng và củng cố vững chắc. Đây là lực lương chính trị hùng hậu có tổ chức của quần chúng, giữ vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ chính quyền nhân dân. Nó cũng là nền tảng để thực hiện vũ trang toàn dân, để hình thành và phát triển lực lượng vũ trang trong tỉnh.
– Việc vũ trang toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang toàn tỉnh phát triển thuận lợi và nhanh chóng. Mỗi người dân, nhất là các hội viên cứu quốc đều hăm hở tìm sắm vũ khí. Ở nông thôn, các lò rèn ngày đêm tập trung rèn giáo, mác, mã tấu… ở thị xã, thanh niên đi lục tìm súng đạn ở các kho, các nơi đóng quân của Nhật, của lính bảo an. Mọi người đều tìm cách trang bị cho mình một loại vũ khí để sẵn sàng bảo vệ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Tất cả mọi người, già, trẻ, gái, trai kể cả thiếu niên đều tham gia luyện tập quân sự. Truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt của tổ tiên đang trỗi dậy mạnh mẽ, quật cường. Trên các bãi tập suốt ngày đêm không lúc nào vắng người.
Trên cơ sở lực lượng chính trị rộng rãi và phong trào vũ trang toàn dân mạnh mẽ, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân tiến hành khẩn trương trong toàn tỉnh.
Tự vệ cứu quốc và tiểu tổ du kích – lực lượng xung kích cùng với nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, được nhanh chóng củng cố và phát triển. Đây là công cụ chuyên chính bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ trật tự trị an trong thôn xóm, trấn áp bọn phản cách mạng. Đến cuối năm 1945, ở tất cả các thôn, xã ở nông thôn và đường phố của thị xã đều đã có tổ chức tự vệ. Nơi ít nhất cũng từ một đến hai trung đội nơi nhiều thì từ một đến hai đại đội, tạo nên một mạng lưới vũ trang cơ sở ở khắp rừng núi, đồng bằng, đô thị.
Việc xây dựng lực lượng vũ trang tập trung cũng được tiến hành hết sức khẩn trương. Đội du kích Ba Tơ, đơn vị vũ trang có tổ chức chặt chẽ và chất lượng cao, có kinh nghiệm hoạt động và chiến đấu được dùng làm nòng cốt để xây dựng các đơn vị mới.
Trong lúc cuộc đấu tranh giằng co với quân Nhật ở thị xã chưa kết thúc, nhưng chấp hành chỉ thị của Xứ ủy một số cán bộ và chiến sĩ của đại đội Phan Đình Phùng và đại đội Hoàng Hoa Thám đã được tách ra làm bộ khung; đồng thời điều động một số tiểu tổ du kích và tự vệ chiến đấu của các huyện về gấp rút thành lập ba trung đội Trần Giã, Trần Thành, Võ Tuôi. Cuối tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Chánh được bổ sung vào Xứ ủy và được cử làm ủy viên trưởng quốc phòng Trung Bộ. Ba trung đội Trần Giã, Trần Thành, Võ Tuôi và một số cán bộ cùng ra Huế với đồng chí Nguyễn Chánh. Khi đến Huế ba trung đội này đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ Xứ ủy và ủy ban nhân dân lâm thời Trung Bộ và đóng quân ở khu vực đồn Khố Xanh cũ, đồn Mang Cá và thôn Vĩ Dạ bảo vệ Xứ ủy ở Tòa Khâm Sứ cũ. Các trung đội này cũng là đội quân danh dự trong buổi lễ thoái vị của Bảo Đại, ngày 30 tháng 8 năm 1945. Cuối tháng 9 năm 1945, khi quân Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch đến Huế, ba trung đội của ta lùi ra đứng chân trong khu vực An Hòa, vừa luyện tập vừa sẳn sàng chiến đấu.
Lực lượng còn lại của hai đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám được bổ sung thêm một số du kích dự bị và tự vệ cứu quốc cùng với hội viên thanh niên cứu quốc biên chế thành ba đại đội: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyện.
Trên cơ sở ba đại đội này, Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân lâm thời của tỉnh theo sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, quyết định thành lập chi đội Lê Trung Đình sau đó đổi thành Chi đội 2. Chi đội tổ chức theo hình thức tam tam chế: Đại đội có ba trung đội, trung đội có ba phân đội, phân đội có ba tiểu đội, tiểu đội có 12 người. Lực lượng chính của chi đội đóng ở thị xã Quảng Ngãi, ở các vị trí xung yếu như Cổ Lũy (Tư Nghĩa), Sa Huỳnh (Đức Phổ) và miền Tây, mỗi nơi một trung đội, riêng Cầu Cháy (Bình Sơn) một đại đội. Nhiều chị em cũng xung phong gia nhập quân đội. Cuối tháng 8 năm 1945, tỉnh thành lập trung đội nữ giải phóng quân Minh Khai.
Cùng với việc làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh, nhiều cán bộ và chiến sĩ của Đội du kích Ba Tơ còn được điều đi giúp xây dựng các đơn vị giải phóng quân một số tỉnh theo chỉ thị của ủy viên trưởng quốc phòng Trung Bộ hoặc theo yêu cầu của địa phương.
Từ cuối tháng 8 năm 1945 một phân đội du kích Ba Tơ đã cùng với các đồng chí Lê Văn Đức, Nguyễn Khoách, Võ Bẩm vào giúp tỉnh Phú Yên xây dựng Chi đội 4. Khi Chi đội 4 chuyển thành Trung đoàn 79, đồng chí Võ Bẩm được chỉ định làm Chính ủy, đồng chí Nguyễn Khoách làm Trung đoàn phó.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tỉnh Quảng Nam thành lập Chi đội Trần Cao Vân do các đồng chí Phan Quang Trọng làm Chi đội trưởng và đồng chí Võ Toàn làm Chính trị ủy viên. Sau một thời gian, đồng chí Võ Toàn chuyển sang công tác khác. Theo điều động của trên, đồng chí Nguyễn Nhạn nguyên chính trị viên Trung đội Ngô Đán của Đại đội Hoàng Hoa Thám ra làm Chính ủy, cùng với đồng chí Nguyễn Nhạn còn có một bộ phận cán bộ và chiến sĩ du kích Ba Tơ được điều ra tăng cường cho công tác chỉ huy và huấn luyện. Giữa năm 1946, đồng chí Nguyễn Nhạn mất ở Hội An.
Ở Bình Định, ngày 4 tháng 9 năm 1945, tỉnh thành lập Chi đội Phan Đình Phùng gồm ba đại đội Tăng Bạt Hổ, Nguyên Huệ, Mai Xuân Thưởng. Nhưng theo lệnh của Ủy viên trưởng quốc phòng Trung Bộ, Quảng Ngãi đưa Đại đội Hoàng Hoa Thám, do đồng chí Phan Phong chỉ huy vào đóng ở thành Bình Định. Tháng 10 năm 1945, Đại đội Hoàng Hoa Thám được điều lên Gia Lai, bổ sung thêm số thanh niên mới nhập ngũ của tỉnh và tổ chức thành Chi đội Tây Sơn gồm ba đại đội Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Đồng chí Phan Phong làm Chi đội trưởng, đồng chí Võ Văn Dật – Chi đội phó, đồng chí Phan Thêm – Chính trị ủy viên.
Ở Gia Lai, khi được xứ ủy cử vào tăng cường chỉ đạo phong trào, đồng chí Phan Thêm đã rút bảy cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị du kích Ba Tơ được điều ra bảo vệ Xứ ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời Trung Bộ, vào làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh. Trong lúc đó, đồng chí Trần Thông – cán bộ Việt Minh của huyện An Khê, trực tiếp ra Quảng Ngãi yêu cầu và tỉnh Quảng Ngãi đã cử hai đồng chí Châu Khải Địch và Nguyễn Thứ cán bộ trung đội vào giúp An Khê về mặt quân sự.
Ở Kon Tum, tháng 12 năm 1945, khi thành lập Chi đội 7, Ủy ban kháng chiến Nam Việt Nam đã điều đồng chí Lê Văn Đức từ Phú Yên lên làm Chi đội trưởng, đồng chí Lê Tự Thắng làm Chính trị ủy viên, đồng thời điều một trung đội du kích Ba Tơ lên làm nòng cốt xây dựng Chi đội.
Riêng Chi đội 2, từ lúc thành lập đã liên tục đưa lực lượng đi làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cho nhiều tỉnh ở Nam Trung Bộ và từ 23 tháng 9 năm 1945 đã đưa nhiều đơn vị đi chiến đấu ở các chiến trường theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu và của Ủy viên trưởng quốc phòng Trung Bộ, nên đã liên tục tuyển quân, liên tục xây dựng các đơn vị mới. Tháng 2 năm 1946 trước yêu cầu chuẩn bị chiến đấu của các mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa, đường 21 – Buôn Ma Thuột, đường 19 – Plây Cu, Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam đã điều Chi đội vào đứng chân trong khu vực bắc Bình Định – nam Quảng Ngãi. Sở Chỉ huy Chi đội đứng ở Bồng Sơn, sẵn sàng làm nhiệm vụ cơ động theo yêu cầu chiến đấu. Tháng 4 năm 1946, Chi đội 2 đổi tên thành Trung đoàn 94.
Vừa làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang trong tỉnh, vừa đưa cán bộ, chiến sĩ đi làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cho nhiều tỉnh ở miền Trung Đội du kích Ba Tơ – trung tâm của cao trào chống Nhật, cứu nước ở Nam Trung Bộ trước Cách mạng tháng Tám cũng chính là hạt nhân của các lực lượng vũ trang Liên khu 5 trong thời kỳ đầu xây dựng sau Cách mạng tháng Tám.