Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi; Đội du kích Ba Tơ được thành lập

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong khi các chiến sĩ cộng sản ở căng Ba Tơ đang tích cực xây dựng cơ sở quần chúng, chờ ngày thoát khỏi căng an trí, thì nhận được tin Nhật đảo chính Pháp. Tin Nhật đảo chính Pháp được cơ sở ở đồng bằng cấp báo cho Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi vào trưa ngày 10 tháng 3 năm 1945. Một hội nghị bất thường của Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí: Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, nhanh chóng được triệu tập. Cuộc họp đã chỉ ra kẻ thù trực tiếp của ta lúc này là Nhật và thống nhất cách tiến hành khởi nghĩa là kỳ tập.

         Đêm 10/3/1945, trời vừa sáng, theo kế hoạch, một số đồng chí ở Căng an trí có đảng viên làm nòng cốt, được trang bị một ít súng và gậy gộc kéo đến cướp đồn binh nhưng cửa đồn đã đóng chặt. Địch không cho lính ra ngoài. Chúng nghe tin Nhật – Pháp bắn nhau từ tỉnh đưa lên nên đã đối phó bằng cách “cấm trại”. Cuộc khởi nghĩa đã không diễn ra như thời gian đã định.

Trong lúc Ban khởi nghĩa đang bàn phương án khác thì nghe tin tên giám binh người Pháp đang kéo lên Ba Tơ theo đường Nghĩa Hành. Ta quyết định sử dụng bạo lực vũ trang bắt tên này phối hợp buộc giao đồn, cùng hợp tác đánh Nhật. Song việc này cũng không thành, vì sau khi vào đồn, tên giám binh nuốt lời hứa.

Trước tình hình đó Ban khởi nghĩa đã họp khẩn cấp vào trưa ngày 11/3 tại Chòi Canh Suối Loa (Ba Động) để kiểm điểm và bàn kế hoạch chuyển hướng khởi nghĩa. Sau cuộc họp, bộ phận lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ một mặt ra sức tăng cường thêm lực lượng vũ trang, mặt khác toả về các làng chung quanh: Trường An, Tân Long, Suối Loa, Hoàng Đồn, Nước Gia, Nước Lá, Mang Đốc… phát động đồng bào Kinh-Thượng nổi dậy giành chính quyền cơ sở, sau đó phối hợp giành chính quyền ở châu lỵ. Công tác binh vận cũng được xúc tiến.

Quần chúng Cách mạng ở Ba Động, Suối Loa, Trường An và nhiều nơi khác lần lượt được tổ chức Việt Minh và các tổ chức cứu quốc tập hợp, huy động. Chiều ngày 11 tháng 3 theo sự chỉ huy chung, tất cả mọi người cầm giáo mác, dao rựa, cờ đỏ sao vàng, giương cao biểu ngữ kéo về châu lỵ Ba Tơ. Truyền đơn và cở đỏ sao vàng tung bay khắp nơi. Cơ sở nội ứng của ta trong đồn Ba Tơ đã được Ban chỉ huy trực tiếp giao nhiệm vụ và đã gửi ra cho lực lượng khởi nghĩa 4 khẩu súng và đạn. Khí thế cách mạng của quần chúng và không khí của cuộc khởi nghĩa đang hừng hực, sôi sục.

                                 Sa bàn khởi nghĩa Ba Tơ

Chiều tối ngày 11 tháng 3, đội quân khởi nghĩa đã được sắp xếp hàng ngũ chỉnh tề. Quần chúng đã kéo đến đông chung quang đồn, tại sân vận động một cuộc mít tinh lớn được tiến hành tại sân vận động. Ban chỉ huy khởi nghĩa nêu rõ tình hình và phát động quần chúng tham gia khởi nghĩa. Ngay sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành, đèn đuốc sáng rực châu lỵ. Quần chúng hô vang các khẩu hiệu: “Đánh đỏ Phát xít Nhật, tẩy sạch phát xít Pháp; Việt Nam hoàn toàn độc lập; Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm; ủng hộ mặt trận Việt Minh…”. Sau đó đồng bào chia nhau toả ra các ngã đường rồi tản vào nhà đồng bào xung quanh châu lỵ bàn tàn sôi nỏi chờ lệnh.

Trước khí thế như nước vỡ bờ, tên giám binh Pháp hoảng sợ bỏ chạy khỏi đồn Ba Tơ.

Theo kế hoạch, lực lượng khởi nghĩa phối hợp với quần chúng vũ trang xông vào Nha Kiểm lý, bắt tên Bùi Danh Ngũ cùng bọn Nha lại phải nộp vũ khí, đạn dược, hồ sơ, tiền bạc. Lúc đầu Ngũ ra mặt phản ứng nhưng sau đó xin hàng. Việc giành chính quyền ở huyện lỵ Ba Tơ tương đối nhanh gọn. Thừa thắng lực lượng khởi nghĩa chuyển sang chia thành ba mũi, bao vây tấn công đồn khố khố xanh châu lỵ. Các mũi khởi nghĩa do đồng chí Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt, Nguyễn Khoách chỉ huy trực tiếp. Lực lượng xung kích vừa nổ súng vừa gọi hàng. Đội quân khởi nghĩa xông vào đồn, lực lượng quần chúng bên ngoài gõ trống, mõ, tù và âm vang cả một góc trời. tiếng hô khẩu hiệu chi viện của đồng bào vang lên không ngớt. đèn đuốc sáng rực, tiếng hò reo của quần chúng càng lúc càng dồn dập và khí thế cách mạng càng dâng cao. Bên trong đồn, cơ sở nội ứng tiến hành làm công tác binh vận.

Trước khí thế áp đảo của quần chúng khởi nghĩa, bọn địch trong đồn hoang mang, dao động. Bọn chỉ huy binh lính lúc đầu định chống trả nhưng trước đòn tiến công mãnh liệt của các lực lượng khởi nghĩa, chúng phải hạ vũ khí. Ta phá tung cửa đồn xông vào, binh lính trong đồn đầu hàng. Quân khởi nghĩa thu toàn bộ súng đạn, lương thực. Cờ địch bị hạ xuống và cờ đỏ sao vàng được kéo lên.

Để chi viện cho cuộc khởi nghĩa ở châu lỵ, cùng lúc này đồng bào dọc ven đường số 5A (quốc lộ 24) từ Hóc Kè xuống Vực Liêm, Hùng Nghĩa, Tân Hội đốn ngã cây, phá cầu, lăn đá làm các ụ chướng ngại vật để ngăn chặn quân Nhật kéo lên, đồng thời tịch thu triện đồng của bọn hương lý, phá bỏ bộ máy chính quyền phong kiến cấp xã. Cũng trong đêm 11 tháng 3 năm 1945, quần chúng cách mạng ở Khánh Giang, Trường Lệ, Suối Bùn, Phú Khương, Phú Thọ (Nghĩa Hành) nổi trống mỏ kéo đến đình làng dự mít tinh, nghe cán bộ Việt minh giải thích về nhiệm vụ chống Nhật, cứu nước, về khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, về sự chi viện cho cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

Ngày 12 tháng 3 năm 1945, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

Ngày 14 tháng 3, Đội du kích cứu quốc quân Ba Tơ (gọi tắt là Đội du kích Ba Tơ) chính thức được thành lập gồm 28 chiến sĩ với 24 khẩu súng. Ra đời trong cao trào toàn dân đánh Nhật, đuổi Pháp, Đội du kích Ba Tơ là đội vũ trang tập trung đầu tiên do Đảng lãnh đạo ở Nam Trung Bộ. Nó không chỉ đáp ứng kịp thời yêu cầu của phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân các tỉnh ở Nam Trung Bộ.

Được Đảng trực tiếp tổ chức, giáo dục và lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ tuy chỉ là một đội quân nhỏ, nhưng kẻ thù dù đã huy động mọi lực lượng, với bao mưu mô, thủ đoạn cũng không thể đánh bại được. Đội đã nhanh chóng trưởng thành, trở thành một nhân tố quan trọng trong thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Quảng Ngãi và một số tỉnh ven biển miền Trung cũng như cuộc chiến đấu của quân và dân nơi đây trong năm đầu của cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp (1945-1954).

Có thể nói thêm rằng, cùng với quá trình phát triển của cách mạng, Đội du kích Ba Tơ đã phát triển nhanh chóng về số lượng, trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào kháng Nhật, cứu nước tại tỉnh Quảng Ngãi trong Cách mạng tháng Tám và sau này là tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu V – một trong các lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).