Ba Tơ – vùng đất có truyền thống yêu nước, tinh thần căm thù giặc
Lượt xem:
Ba Tơ là một châu nằm ở tây nam tỉnh Quảng Ngãi. Từ miền xuôi đi lên giáp Suối Loa, từ miền ngược đi xuống giáp núi Cao Muôn. Đây là một vùng rừng núi trùng điệp, địa thế rất hiểm trở.
Ba Tơ nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp được truyền tụng ở Quảng Ngãi. Nhưng Ba Tơ không phải chỉ là một danh lam thắng cảnh cho khách thập phương du ngoạn, mà còn là một vị trí chiến lược, một căn cứ địa quan trọng. Chính vì thế, thực dân Pháp đã xây đồn sơn phòng đóng giữ ở đây. Đồn Ba Tơ gồm có 2 đội, 4 cai và 30 lính dưới quyền chỉ huy của một tên sĩ quan người Pháp, cạnh đồn có Nha kiểm lý của Nam triều làm tay sai cho đế quốc, đàn áp bóc lột nhân dân.
Dân số Ba Tơ chỉ có 2 vạn người, trong đó có chừng 200 người Kinh ở ba làng giáp giới vùng trung châu (thời điểm Cuối năm 1940 của thế kỷ XX). Đi sâu vào núi có sáu cơ (làng) là quê hương của người Thượng, trong đó người Hrê chiếm số đông.
Ba Tơ có nguồn lâm thổ sản phong phú: thú rừng, cá khe, lúa, chè, cau, quế, … Nhân dân Ba Tơ giỏi nghề chài lưới, bắn nỏ, giỏi việc canh cửi, nương rẫy. Nhưng nhân dân Ba Tơ vẫn khổ cực lầm than. Bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai kiểm lý đã ra sức vơ vét tàn bạo, làm cho nhân dân chỉ còn “rễ tranh thay muối, mình trần phơi da”.
Cũng như lịch sử chung của Quảng Ngãi, Ba Tơ đã có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp lâu đời. Có thể nói, từ khi Pháp đặt chân lên Quảng Ngãi, suốt 80 năm thống trị, chúng chưa bao giờ “bình định” được Ba Tơ.
Ở Ba Tơ, ngoài việc bóc lột, vơ vét thuế má, bắt phu phen, đế quốc Pháp còn thi hành chính sách chia rẽ rất thâm độc. Chúng gây oán thù giữa người Kinh vối người Thượng, giữa người Hrê với người Ba-na, Ê-đê,… nhưng âm mưu của chúng đều bị thất bại.
Những chiến dịch “đánh giặc Mọi” của chúng mở ra liên tiếp, nhưng Ba Tơ bất khuất vẫn là cái gai đâm vào mắt bọn xâm lược. Trên miền Rua, miền Rới ỏ vùng rẻo cao, nhân dân vẫn sống tự do từ xưa đến nay. Mỗi lần họ kéo quân xuống núi là mỗi lần bọn thực dân Pháp và tay sai ở Ba Tơ phải điêu đứng. Nhất là từ khi Đảng ta ra đòi, với cao trào 1930-1931, phong trào đấu tranh của nhân dân Ba Tơ càng thêm mạnh mẽ. Để đàn áp phong trào miền núi, đế quốc Pháp đã lập 2 đồn sơn phòng ở Ba Tơ và Di Lăng với nhiều đồn kiểm lý khác. Bên cạnh đồn Ba Tơ và Di Lăng, có nhà lao – “căng” an trí, là nơi giam cầm các tù chính trị, nơi tra tấn, đói rách, ốm đau, ghẻ lở, chết chóc,… biết bao nhiêu cảnh thương tâm hàng ngày đã diễn ra ở đây.
Sau những đợt khủng bố trắng của địch vào cuối năm 1939 và cả năm 1940, các nhà tù ở Quảng Ngãi đã chật ních những người yêu nước. Đầu năm 1941, địch đày một số chính trị phạm, theo chúng là nguy hiểm nhất lên các nhà tù ở Kon Tum, Đắc Lắc và đưa số còn lại, tuy đã mãn hạn tù lên an trí ở Ba Tơ và Di Lăng để giam giữ và kiểm soát, căng an trí Ba Tơ có từ đó.
Kẻ thù dùng căng an trí để tách các chiên sĩ cộng sản ra khỏi phong trào đấu tranh của quần chúng; dùng môi trường sống khắc nghiệt và chế độ kìm kẹp hà khắc để hủy hoại về thể xác và truy bức, uy hiếp, lung lạc về tinh thần, nhằm giết dần giết mòn những người cộng sản mà chúng cho là nguy hiếm nhất đối với nền thống trị của chúng.
Chính trị phạm ở căng an trí Ba Tơ phải tự làm nhà để ở, phải lao động để có ăn, không được đi quá chỗ ở 500 mét; muốn đi quá nơi ở phải xin phép; mỗi ngày phải trình diện 2 lần vào mờ sáng và chiều tối. Với quy định ngặt nghèo này, kẻ địch hy vọng người tù an trí phải lao đao vì cuộc sống nên không còn thời gian để hoạt động cách mạng. Nhưng chúng đã tính lầm. Tập trung những người cộng sản lại, chúng đã tạo điều kiện cho một trung tâm lãnh đạo mối của Quảng Ngãi ra đời.
Cuối năm 1941, căng an trí Ba Tơ đã có hơn 50 tù chính trị; qua đấu tranh sàng lọc, phần lớn vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, một lòng một dạ chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì mục tiêu lý tưởng của Đảng. Nhưng cũng có một số ít cầu an, chỉ lo làm ăn, một đôi người chao đảo bị địch lôi kéo ngấm ngầm làm tay sai cho chúng. Trong số kiên trung bất khuất, cũng có người do nhận thức không theo kịp sự phát triển của tình hình trong giai đoạn mới của cách mạng nên ngỡ ngàng trước thời cuộc. Trước tình hình đó, nhiều đồng chí đã nhận thấy cần phải nhanh chóng hình thành một tổ chức lãnh đạo để tập hợp những người trung kiên đi vào hoạt động.